Skip to content
Giáo dục nghề nghiệp 2022: Linh hoạt thích ứng với tình hình mới
Bên cạnh những trường khó tuyển sinh vẫn có những trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh tốt. Đạt được kết quả này, bên cạnh công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, linh hoạt thích ứng với tình hình mới nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động.
Nỗ lực tuyển sinh
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh GDNN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa được Bộ LĐ-TB-XH tổ chức, Tổng cục GDNN thuộc bộ này nhìn nhận, xét về tổng thể, năm 2021, GDNN tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra. Cả nước tuyển sinh được hơn 1,9 triệu người, đạt 85,14% kế hoạch. Tổng cục GDNN đánh giá nguyên nhân khiến tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn…
Tại Phú Yên, từ tháng 6/2021 khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở đào tạo nghề dù phải tạm thời đóng cửa trường nhưng vẫn tích cực trong công tác phòng chống dịch cũng như tăng cường truyền thông để tuyển sinh trong điều kiện mới. Nhiều trường đổi mới công tác tuyển sinh, chuyển từ hình thức tiếp cận trực tiếp sang truyền thông online. Từ đó mang lại kết quả tuyển sinh khá tốt.
Điển hình như tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC), năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng trường này vẫn tuyển được gần 1.500 học sinh, sinh viên, đạt 86% chỉ tiêu tuyển sinh. Tương tự, năm 2021, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tuyển được 605 HSSV, đạt 93% chỉ tiêu. Riêng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên công tác tuyển sinh gặp khó, chỉ có 100 sinh viên theo học.
Một buổi thực hành ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Xác định công tác tuyển sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường, năm 2022, MITC tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyển sinh. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng MITC cho biết: Năm 2022, MITC dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, trung cấp với 19 ngành nghề đào tạo. Nhà trường sẽ huy động tối đa các nguồn lực và quán triệt trong viên chức, người lao động làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, tranh thủ mọi cơ hội đưa thông tin về công tác tuyển sinh của trường đến với xã hội, phụ huynh, học sinh và người lao động thông qua tư vấn trực tuyến, tư vấn tại trường phổ thông, tư vấn qua điện thoại và đến tận nhà gia đình học sinh có nhu cầu học tập… Trường cũng sẽ hợp tác tốt với các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên đẩy mạnh tuyển sinh và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo có địa chỉ cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Còn theo TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, trong quá trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nhà trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mối liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho người học.
Cần linh hoạt thích ứng nhanh
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu cần linh hoạt thích ứng nhằm đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 4 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng số người tham gia đào tạo thí điểm khoảng 100 người. Đào tạo lại để nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm. Đối tượng đào tạo là học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN (tham gia các chương trình đào tạo ngành, nghề mới, các chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng mới, kỹ năng tương lai). Đối tượng đào tạo lại là người lao động trong các doanh nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp do chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; người lao động trong các doanh nghiệp ở những ngành nghề công nghệ mới hoặc cần nâng cao kiến thức, kỹ năng để tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ ở các trình độ của GDNN. Thời gian đào tạo đến năm 2025.
Chương trình đào tạo Nhà trường linh hoạt ứng dụng CNTT trong dạy và học
Hiện tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 71%. Đáng chú ý, tình trạng thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao trong những năm gần đây, nhất là lao động từ các tỉnh phía Nam về lại Phú Yên chưa có việc làm ổn định. Qua khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất là chất lượng nhân lực nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu. Người lao động chủ yếu từ khu vực nông nghiệp, do đó công tác đào tạo nghề cần được chú trọng hơn trong thời gian tới. Mục tiêu của Phú Yên trong giai đoạn 2021-2025 là hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 6.600 người…
Nhu cầu của đào tạo nghề là rất lớn. Vấn đề quan trọng là các cơ sở đào tạo cần có giải pháp để thu hút người học. Theo đó, năm 2022, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động trên môi trường số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Điều này giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người học. Đồng thời tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, trước đây, công tác tuyển sinh hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tiếp nhưng năm 2021, 80% các cơ sở GDNN thực hiện tuyển sinh trực tuyến và cho những kết quả khả quan. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần linh hoạt thích ứng nhanh, thực hiện tuyển sinh trực tuyến, sử dụng đa dạng các nền tảng xã hội để tuyển sinh là điều quan trọng. Ngoài chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, năm 2022, GDNN cần nắm bắt các cơ hội về cơ chế chính sách, thị trường lao động; cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Để làm được điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần chú trọng đào tạo theo thị trường để cung cầu gặp nhau. Muốn vậy phải chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.
Theo Thúy Hằng
Báo Phú Yên Online
Hãy chọn MXH & Chia sẻ bài viết!
Page load link