Ghi nhận tại nhiều tỉnh phía bắc, số lượng thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp có xu hướng tăng. Theo lý giải, học sinh thấy khó xin việc làm nên ngần ngại thi đại học.
Học sinh lớp 12 nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 tại trường
Số lượng chọn bài thi KHXH ngày càng tăng
Thông tin từ Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết kết thúc đợt đăng ký dự thi, toàn tỉnh có hơn 19.600 thí sinh (TS) làm thủ tục, trong đó có 777 TS tự do. Gần 8.500 TS tham gia kỳ thi này để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp (chiếm 43,1% tổng số TS đăng ký dự thi, cao hơn những năm trước); 10.485 TS thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (53,2%); 699 TS thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Cũng theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, có 72% trong tổng số TS chọn bài thi tự chọn là khoa học xã hội (KHXH); 25,2% chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN); số còn lại chọn cả hai bài.
Tại tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT, cho biết có hơn 58% TS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Số TS chọn bài thi KHXH có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể trong năm nay số TS đăng ký dự thi bài thi KHXH cao gấp khoảng 3 lần KHTN. Ông Vinh cho biết TS của Hòa Bình đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp mấy năm nay đều tăng vì học sinh nhìn thấy cảnh sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không xin được việc làm rất nhiều, trong khi đó nhiều khu công nghiệp lại cần tuyển công nhân chỉ cần tốt nghiệp hoặc THCS đi làm ngay. Một bộ phận học sinh khác thì đi học nghề…
Tại Nam Định, Sở GD-ĐT cho biết tổng số TS đăng ký dự thi là 19.814 TS. Trong đó, có 4.192 TS chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm trên 20%. Số còn lại vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH. Tại tỉnh này, số lượng TS đăng ký bài thi môn KHTN và bài thi KHXH tương đương nhau.
Sở GD-ĐT Nghệ An có 31.578 TS đăng ký dự thi, trong đó có 1.667 TS tự do. Có đến 12.501 TS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 39,59% (cao hơn các năm trước gần 5%). Những trường có tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp chiếm từ 90 – 100% như: THPT Mai Hắc Đế, THPT Nguyễn Văn Tố, THPT Nguyễn Thức Tự, THPT Lê Doãn Nhã và các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Môn Sử được chọn nhiều nhất
Về số môn đăng ký dự thi, theo Sở GD-ĐT Nghệ An, ngoài các môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, các môn còn lại chiếm ưu thế là môn thuộc tổ hợp KHXH. Cụ thể, môn lịch sử có 21.392 TS đăng ký, địa lý có 21.101 và giáo dục công dân có 19.684. Ở tổ hợp môn KHTN, số học sinh đăng ký môn vật lý là 11.096, hóa học là 11.320 và sinh học là 10.974.
Tình hình tương tự ở Sở GD-ĐT Hòa Bình. Trong số các môn thi, ngoài 3 môn bắt buộc thì số TS chọn môn lịch sử cao nhất với 7.768/9.991 TS đăng ký dự thi.
Về nguyện vọng xét tuyển, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết do Trường ĐH Vinh đóng trên địa bàn tỉnh nên có số lượng TS đăng ký đông nhất với 8.971 nguyện vọng. Tiếp đó là các trường: ĐH Kinh tế quốc dân (3.554), ĐH Bách khoa Hà Nội (3.034), ĐH Công nghiệp Hà Nội (2.633), ĐH Thương mại (2.418). Có 2.502 TS chỉ đăng ký xét tuyển 1 nguyện vọng. Tuy nhiên, số TS đăng ký từ 16 – 20 nguyện vọng cũng không ít. Đặc biệt, một TS ở H.Nghi Lộc đăng ký đến 29 nguyện vọng ở hầu hết các tổ hợp môn.
(Sưu tầm [email protected])
(Trích //thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-thi-sinh-chi-thi-thpt-de-xet-tot-nghiep-956867.html)