LỰA CHỌN ĐÚNG NGÀNH NGHỀ – CHÌA KHÓA
MỞ RỘNG CỬA TƯƠNG LAI
Bài toán “Tốt nghiệp rồi thất nghiệp” tuy không mới nhưng vẫn đang nhức nhối chưa có hồi kết. Hiện nay, nhiều học sinh khi lựa chọn ngành nghề vẫn còn thụ động, theo phong trào, theo ý tưởng của cha mẹ,… mà chưa có sự định hướng rõ ràng. Vì vậy, nhiều em khi bước chân vào các giảng đường đại học vẫn chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn. Không ít sinh viên trong số đó trở nên thiếu động lực học tập hoặc chán nản rồi nghỉ học. Thực trạng này sẽ khiến tình trạng thất nghiệp tiếp tục tăng cao và gây nhiều lãng phí cho xã hội.
Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố Quý 4 năm 2019: Cả nước có trên 1,06 triệu lao động trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 1,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 200,2 nghìn người (tăng 13,4 nghìn người so với Quý 3 năm 2019 và tăng 64,39 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm trình độ trung cấp lại có xu hướng giảm đáng kể: Quý 4 năm 2019 tỷ lệ này là 2,34%, trong khi đó Quý 4 năm 2018 tỷ lệ này là 2,61%.
Việc học tập nâng cao trình độ là yêu cầu bắt buộc và xuyên suốt trong quá trình hội nhập. Song điều đó không có nghĩa là cứ tốt nghiệp phổ thông phải đi học đại học bằng mọi giá. Hậu quả của việc lựa chọn sai nghề cũng như học theo phong trào sẽ dẫn đến tâm lý chán nản khi phải gắn bó với công việc mình không yêu thích, gây lãng phí cho công tác giáo dục đào tạo và những xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cũng như thiệt hại nhiều mặt cho người lao động. Một quyết định sai lầm, một lựa chọn không đúng đắn không chỉ gây ra những ảnh hưởng cho bản thân mà còn cho cả gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì thế, việc lựa chọn cho mình một ngành học phù hợp là bước khởi cho một tương lai vững chắc.
Hướng dẫn viên du lịch và hành trình lập nghiệp
Thái Mỹ Vàng sinh năm 1990 trong một gia đình thuần nông tại thôn Xuân Dục, xã An Phú, huyện Tuy An. Vàng là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con. Tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT Lê Thành Phương, Vàng không đi tiếp con đường học Đại học mà quyết định học nghề.
Sau nhiều bôn ba, Vàng quyết định chọn theo học tại ngôi Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung với ngành Hướng dẫn du lịch làm chìa khóa nghề nghiệp cho mình. Sau khi tốt nghiệp, năm 2014, được sự giới thiệu của Thầy giáo chủ nhiệm, Vàng làm việc tại một Công ty Quản lý lữ hành du lịch. Nhưng, khát vọng của chàng trai trẻ này lớn hơn thế nhiều. Đầu năm 2016, Vàng lại cùng với bạn Dương Phi Thoàn mở Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoà Yên chuyên chế biến, cung cấp đặc sản với quy mô lớn và kết hợp du lịch. Giám đốc Thái Mỹ Vàng và Công ty của anh được biết đến nhiều khi sản phẩm “Nhân sâm Phú Yên” ghi đậm dấu ấn của Vàng và bạn của mình trong việc phát triển loại sâm quý có nguy cơ biến mất của tỉnh nhà.
Quả ngọt từ sự đam mê
Dương Quốc Hiệu và Nguyễn Hoàng Viên đều là những sinh viên chuyên ngành Điện dân dụng và Công nghiệp của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung. Vượt lên những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, các bạn đã nỗ lực học tập, rèn luyện tay nghề mong sao một tương lai tốt đẹp cho nghề nghiệp của mình. Trời không phụ lòng người, hai bạn đều tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và đều được giữ lại trường. Là những cán bộ giảng viên trẻ với lòng say mê nghiên cứu, Hiệu và Viên là tác giả của nhiều đề tài sáng kiến có tính ứng dụng cao. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Pin năng lượng mặt trời tự điều chỉnh hướng theo ánh sáng”. Sáng kiến này được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VII trao giải nhất và được Khoa Điện – Tự động hóa của Trường đưa vào làm mô hình học cụ, phục vụ công tác đào tạo sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, tự động hóa và các chuyên ngành khác trong nhà trường. Không dừng lại ở đó, hai bạn còn không ngừng học tập nâng cao trình độ. Hiện nay, hai bạn đều là những thạc sĩ – giảng viên giỏi chuyên ngành điện của trường.
Doanh nhân thành đạt từ tấm bằng Trung cấp chuyên nghiệp
Anh Nguyễn Văn Bình quê ở An Mỹ, Tuy An, một vùng đất giàu truyền thống anh hùng và nổi tiếng hiếu học. Tốt nghiệp cấp 3 Trường THPT Lê Thành Phương, anh Bình lựa chọn ngành Hóa phân tích tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung là bước khởi đầu cho hành trình tương lai của mình. Chính sự lựa chọn ấy là bước đệm cho những sải bước thành công của anh. Tốt nghiệp Trung cấp Hóa năm 2001, anh Bình bắt đầu công việc tại một công ty có uy tín – Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam – Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ở đây anh làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng của công ty (nhân viên QC), bộ phận chuyên kiểm tra các sản phẩm thực tế trong từng công đoạn của sản xuất. Nhân viên QC đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên sâu về sản phẩm đang làm, hiểu nội dung bản vẽ, thứ tự các công đoạn, giám sát thường xuyên và trực tiếp tại hiện trường sản xuất. Anh đảm nhiệm công việc này từ năm 2003 đến 2006. Năm 2007, với năng lực và kinh nghiệm của mình, anh Bình được đề bạt làm Trợ lý giám đốc quản lý chất lượng của công ty.
Con đường tương lai có vẻ êm ái, làm việc và hưởng lương là một sự lựa chọn an toàn. Nhưng Nguyễn Văn Bình ước mơ nhiều hơn thế. Với tinh thần cầu tiến, với nỗ lực vươn lên không ngừng, anh được công ty tạo điều kiện tiếp tục học bổ sung kiến thức tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Quản trị kinh doanh và tốt nghiệp vào tháng 06 năm 2015. Đến cuối năm 2015, thỏa giấc mơ ấp ủ từ lâu, anh thành lập Công ty TNHH Thương mại NKT tại Sơn Hòa. Công ty của anh chuyên nhập khẩu, phân phối hóa chất thí nghiệm và thiết bị phòng thí nghiệm của các hãng nổi tiếng như Merck, Mitsubishi, Wako, Prolabo,…. Ngoài ra, Công ty anh còn phân phối hóa chất cho ngành hóa chất công nghiệp, cung cấp thiết bị cho ngành hóa chất khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh khu vực Tây nguyên.
Thành công của doanh nhân Nguyễn Văn Bình là anh đã chọn đúng ngành nghề mà mình yêu thích và làm tốt nhất mọi nhiệm vụ đảm trách. Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn đeo đuổi giấc mơ của mình, gắn bó với nghề và sống được với nghề. Gần 20 năm cho một chặng đường lập nghiêp, không quá dài, nhưng đủ để theo đuổi và hoàn thành một ước mơ với xuất phát điểm là một tấm bằng Trung cấp chuyên nghiệp. Điều đó nói lên rằng, chỉ cần có sự quyết tâm, đam mê với nghề và nghiệp sẽ nhanh chóng đưa bạn tới con đường thành công.
Những tấm gương trên đây chỉ là bốn trong số hàng nghìn Cựu sinh viên của trường thành đạt. Từ mái Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, những ước mơ đã được chắp cánh bay xa, bay cao và còn rất nhiều những người con thành đạt đi khắp muôn phương.
Để thay lời kết nhóm tác giả xin nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Chọn được ngành nghề yêu thích, bậc học phù hợp với khả năng sẽ là chìa khóa để mở rộng cánh cửa đi vào tương lai”.
Nguyễn Thị Linh- Nguyễn Thị Xuân Ánh
(Sưu tầm và biên tập)