Từ ngày 2-15/5, Ban tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức sẽ nhận bài dự thi của các thí sinh là học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc tất cả các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Phú Yên; là đoàn viên, thanh niên có ý tưởng và muốn khởi nghiệp trên quê hương Phú Yên. Đây là hoạt động mở đầu cho chương trình đồng hành cùng HSSV khởi nghiệp năm 2019 trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với Báo Phú Yên về cuộc thi, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết:
– Hưởng ứng chương trình Khởi nghiệp quốc gia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng, năm 2016, nhà trường xây dựng kế hoạch và phát động phong trào khởi nghiệp trong HSSV.
Chương trình hướng tới mục tiêu: Tạo sân chơi bổ ích cho HSSV; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng kinh doanh hay để hướng các em đến với các hoạt động có ý nghĩa; giúp các em có cơ hội trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh thông qua việc lập các dự án khởi sự doanh nghiệp.
Với mục tiêu và ý nghĩa đó, nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ từ việc đưa chương trình khởi nghiệp vào đào tạo ngoại khóa đến chính khóa để cung cấp nhiều kiến thức nền tảng cho học sinh, sinh viên. Các giảng viên thường xuyên và liên tục hỗ trợ kiến thức làm cơ sở lý thuyết vững chắc để HSSV biết cách lập ra kế hoạch cụ thể cho các dự án khởi nghiệp của mình.
Với lợi thế sức trẻ, năng động, cuộc thi đã thu hút nhiều HSSV tham gia. Sự sáng tạo được thúc đẩy, nhiều ý tưởng kinh doanh hay được nảy sinh làm tiền đề cho các dự án khởi nghiệp.
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của nhà trường nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt cả về vật chất lẫn tinh thần từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chính sự quan tâm, đồng hành đó đã giúp cuộc thi trở nên sôi nổi hơn, củng cố thêm niềm tin, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của các em để phát huy sự sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực.
Đặc biệt năm 2018, đánh dấu một bước tiến mới khi có sự tham gia đồng hành của Báo Phú Yên, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia, Báo Phú Yên, Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp Quốc gia, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; quy mô của cuộc thi được mở rộng ra toàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
TS. Trần Kim Quyên
Nhiều ý tưởng hay đã và đang triển khai thành các dự án khởi sự doanh nghiệp và triển khai vào thực tiễn, như dự án đầu tư Phân vi sinh của tác giả Trần Nhật Nam tham gia năm 2016 đang triển khai đầu tư; dự án Trồng nấm rơm trên bã nghệ tham gia năm 2017 đã triển khai; dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới năm 2018 đang triển khai…
Nhà trường đã hỗ trợ các em phát triển các dự án của mình thành các công ty hoạt động hiệu quả như: Công ty TNHH Thương mại và môi trường Nhật Linh của sinh viên Trần Nhật Nam; Công ty TNHH Nhân sâm Phú Yên của sinh viên Thái Mỹ Vàng…
Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng đã được hiện thực hóa thì vẫn còn không ít ý tưởng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công.
* Khởi nghiệp khi đang là sinh viên không phải là con đường của nhiều người, tuy nhiên, có nhiều lý do để khẳng định rằng trường học là nơi tuyệt vời nhất để bắt đầu học kinh doanh và khởi nghiệp. Chương trình sinh viên khởi nghiệp năm 2019 có gì mới so với những năm trước, thưa tiến sĩ?
– Phát huy kết quả của 3 năm tổ chức, chương trình sinh viên khởi nghiệp năm 2019 được triển khai với diện mạo mới. Đó là sự kết nối và đan xen của chuỗi giá trị từ khơi dậy phong trào khởi nghiệp, ươm mầm các ý tưởng sáng tạo đến việc thiết lập và triển khai các dự án kinh doanh.
Chương trình đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp năm 2019 được tổ chức với các nội dung: Thứ nhất, khơi dậy phong trào khởi nghiệp bằng nhiều hoạt động khác nhau như: Vinh danh các ý tưởng hay, gương sáng doanh nhân thành đạt, giao lưu doanh nhân – thắp sáng ước mơ khởi nghiệp…
Qua đó giúp HSSV nhận ra rằng khởi nghiệp không phải chỉ là câu chuyện của tương lai mà phải bắt nguồn từ suy nghĩ tích cực từ bây giờ. Khởi nghiệp không phải bắt đầu từ những gì to lớn, không tưởng mà nhất thiết phải bắt đầu từ sự đam mê, ý tưởng sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Thứ hai, ươm mầm các ý tưởng sáng tạo: Sau khi xây dựng phong trào khởi nghiệp, hoạt động tiếp theo giúp các em hình thành nên các ý tưởng sáng tạo, gồm chương trình đào tạo “Hướng dẫn kỹ năng lập dự án kinh doanh” nhằm giúp HSSV biết cách nhận thức về kinh doanh, hình thành, sàng lọc và lựa chọn ý tưởng kinh doanh; chương trình đào tạo “Khởi sự doanh nghiệp” là cơ sở giúp HSSV khi có dự án mong muốn thành lập doanh nghiệp có những kiến thức căn bản về thành lập doanh nghiệp.
Chương trình khởi nghiệp là một chuỗi dài từ việc hình thành ý tưởng kinh doanh, thiết lập dự án khởi nghiệp, huy động nguồn lực và kêu gọi vốn đầu tư. Tham gia chương trình, HSSV sẽ được nghe những góp ý và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh quý báu của các doanh nhân đi trước cho dự án của mình. Kết nối giữa dự án lý thuyết với các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp để học hỏi mô hình sản xuất, quản lý, kinh doanh… Các dự án sẽ được hoàn thiện nhiều lần để chào gọi đầu tư.
Thứ ba, hỗ trợ khởi nghiệp. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được xác định như một giải pháp quan trọng để xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là một loạt nội dung như tư vấn hướng dẫn, xây dựng phong trào, kết nối đầu tư và bảo trợ dự án.
Đây là khâu cực kỳ quan trọng quyết định đến sự thành công của cả chương trình. Năm 2018, trường thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo là một giải pháp quan trọng cho vấn đề này.
* Được xem là “bà đỡ” và là nơi ươm mầm, hỗ trợ cho các ý tưởng kinh doanh tốt có thể tồn tại và phát triển bền vững thành doanh nghiệp, sau gần 1 năm hoạt động, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo có phát huy được vai trò này?
– Với mong muốn trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo đã kết nối ba nhà: nhà hoạch định chính sách, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện trung tâm đã hình thành mạng lưới với 20 chuyên gia cố vấn cao cấp, 50 chuyên gia chuyên ngành, 20 doanh nhân xuất sắc.
Đây được xác định là nguồn nhân lực hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của trung tâm trong việc tư vấn, định hướng, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm cho các cá nhân/nhóm khởi nghiệp.
Mặt khác, với mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, thúc đẩy và phát triển cộng đồng khởi nghiệp theo hướng sáng tạo, các câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động như: Arduino Mitc, CLB tiếng Anh.
Trong quá trình sinh hoạt tại câu lạc bộ, các bạn trẻ có cơ hội phô diễn các ý tưởng của mình cùng các bạn khởi nghiệp khác, được chia sẻ, đồng hành và cố vấn; được có không gian để cùng rèn luyện, trải nghiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của vốn trong đầu tư kinh doanh, trung tâm đã thiết lập mạng lưới nhà đầu tư để sẵn sàng nguồn lực cho các ý tưởng khả thi thành hiện thực.
Đến thời điểm này, các nguồn lực đã hỗ trợ cho các dự án như: UNDP đã hỗ trợ 3.000USD cho dự án Chiết xuất tảo rong nho của một giảng viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên; xây dựng dự án Khôi phục làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Hòa Phong.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai ý tưởng khởi nghiệp, có 10 đơn vị đã tìm đến trung tâm để được tư vấn và chủ động xin được kết nối…
Với nhiều nội dung hỗ trợ triển khai thực tế từ tham gia vườn ươm, kết nối tìm kiếm nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp, hy vọng chương trình khởi nghiệp dành cho HSSV, đoàn viên thanh niên sẽ là bước đệm giúp các bạn trẻ đam mê, hình thành khát vọng trở thành doanh nhân, có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp thiết thực, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Trích Thúy Hằng (thực hiện – Phóng viên Báo Phú Yên)
Đường link
* Đa