Mùa tuyển sinh 2017, theo thống kê của Bộ giáo dục & đào tạo, trong số 363.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1 theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, chỉ có hơn 242.000 thí sinh đến các trường Đại học làm thủ tục nhập học. Hơn 120.000 thí sinh còn lại đã từ chối cơ hội học tập tại các trường Đại học. Con số này thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà làm giáo dục, của các cơ quan truyền thông báo chí, của cả xã hội. Bởi đó không chỉ đơn thuần là con số thống kê, mà nó là con số biết nói. Trong hơn 120.000 thí sinh từ chối Đại học, rất nhiều ngã rẽ, rất nhiều góc khuất, rất nhiều trăn trở. Đó có thể là con đường du học nước ngoài, là chọn học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng sau rất nhiều đắn đo… Không khẳng định hoàn toàn, nhưng đó là phần nào sự chuyển biến tư duy của người học và một phần của các bậc phụ huynh. Ở đây, tôi điểm thêm vài câu chuyện nho nhỏ của những người chọn nghề mà tôi có dịp tiếp xúc tại trường.
HSSV khoá 40 làm thủ tục nhập học & nhận quà tặng ngày 15/8/2017
1. Chọn nghề hôm nay, vững nghiệp ngày mai
Đó là ý nghĩ của tân sinh viên Trần Minh Quang, khoa Cơ khí, chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy. Giấc mơ lớn nhất của Quang là các trường quân đội, điểm xét tuyển không đạt nên em gác lại ước mơ. Quang quyết định chọn học ngành Chế tạo máy. Đó là sự lựa chọn sau khi đã tìm hiểu thật kỹ về ngành, về cơ hội việc làm, về môi trường đào tạo. Quang cho biết điểm xét tuyển của em có thể học Đại học và thực tế là em đã nhận được giấy báo nhập học các trường Đại học. Nhưng em vẫn quyết định học Cao đẳng vì em chọn nghề chứ không đặt nặng việc chọn trường hay bằng cấp. Sự chăm chỉ cố gắng sẽ tạo nên tay nghề giỏi. Chọn nghề và yêu nghề chính là nền móng vững chắc cho sự nghiệp tương lai. Tôi có lòng tin với cách nghĩ hiện đại của em.
2. Chọn nghề, chọn trường theo người đi trước
Cô Thúy, phụ huynh em Nguyễn Thị An Nhiên, quê ở Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết con gái cô kiên quyết chọn học ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa vì ngành này có thể chắc chắn tìm được việc làm. Tại sao cô chắc chắn như vậy? Tại sao không chọn trường ở Nha Trang, 1 đô thị lớn với nhiều cơ hội và điều kiện phát triển? Câu trả lời là: tiếp bước người đi trước. Người đó là anh họ của An Nhiên, một cựu sinh viên ngành Trắc địa trường CĐCN Tuy Hòa. Anh sớm có việc làm sau khi tốt nghiệp với thu nhập ổn định tại Nha Trang. Anh định hướng và cô em bước theo. Hẳn cô bé đã hình dung được phần nào công việc của người anh và cũng sẽ là nghề của mình. Cô yêu thích ngành học và nghề nghiệp qua cảm hứng của người anh. Nhưng cốt lõi vấn đề là việc làm sau tốt nghiệp của Nhiên được đảm bảo và vì thế em từ chối giấy báo từ 2 trường Đại học.
Một trường hợp nữa, em Phạm Nhật Hồng, cũng là sinh viên ngành CN kỹ thuật Trắc địa. Em chọn học Trắc địa theo sự định hướng của người cậu cũng là cựu sinh viên ngành này. Người cậu bắt đầu sự nghiệp Trắc địa từ hệ Trung cấp, bằng ý chí cầu tiến và sự kiên trì đã hoàn thành bậc liên thông Đại học ngay tại trường. Con đường đi không bằng phẳng nhưng giá trị của học thức và kỹ năng nghề nghiệp được nhận thức rõ. Và vì vậy người cậu đã dẫn đường cho người cháu tiếp bước con đường anh đã và đang đi rất vững chắc.
3. Học phí và chi phí học tập thấp phù hợp nhiều hoàn cảnh gia đình
Nguyễn Duy Phương chọn học ngành Công nghệ thông tin. Thể chất em không được khỏe vì di chứng sau đợt sốt cao từ lúc còn bé. Em và người cô nuôi nấng em từ nhỏ tin rằng nghề này phù hợp với thể chất của em. Và còn một lý do nữa, mức học phí, chi phí học tập thấp nên gia đình có thể đáp ứng và theo đuổi việc học được.
4. Học Cao đẳng vì khả năng có việc làm cao hơn và có kỹ năng nghề tốt hơn
Rất nhiều tân sinh viên và cả các bậc phụ huynh đều khẳng định học Trung cấp, Cao đẳng dễ có việc làm hơn. Họ chắc chắn như vậy vì trong gia đình, hàng xóm họ có nhiều người học Đại học xong vẫn thất nghiệp, trong khi người tốt nghiệp Cao đẳng đã có việc làm ổn định từ lâu với tay nghề đảm bảo. Qua truyền thông và qua thực tế, họ đã nhận thức quá rõ giá trị cạnh tranh của tấm bằng Cao đẳng trong thời buổi “thừa thầy thiếu thợ”. Đi học không phải vì sỉ diện, học để có việc làm ngày mai. Đó là giá trị thực tế.
5. Thời gian đào tạo ngắn, học xong có thể làm nghề ngay
Thời gian 1 khóa học Trung cấp chỉ từ 1,5 – 2 năm, Cao đẳng từ 2,5 – 3 năm. Kết thúc bậc học, có thể làm nghề ngay với kỹ năng nghề đảm bảo. Một phụ huynh có con là tân sinh viên ngành Điện công nghiệp chia sẻ: “thời gian học ngắn mà thực hành thì nhiều nên sẽ không bị nản, tay nghề thì vững vàng, vì vậy gia đình quyết định chọn học Cao đẳng”.
Thực tế là minh chứng vững vàng nhất giúp thay đổi tư duy người học chứ không phải là quyết định nhất thời, theo đuổi những điều không phù hợp mất thời gian, tiền của mà tương lai xa vời.
Anh Thư
(Ảnh Diệu Hoa)