Bài toán “tốt nghiệp rồi thất nghiệp” tuy không mới nhưng vẫn đang nhức nhối chưa có hồi kết. Tại cuộc hội thảo về kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2015 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức diễn ra ngày 24/12/2015 tại Hà Nội, đã đưa ra số liệu đáng cho chúng ta suy ngẫm: Chỉ khoảng 10 % học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký học nghề. Số học sinh còn lại chủ yếu tham gia tuyển sinh vào các trường đại học. Một thực trạng đáng buồn hơn nữa, trong số nhiều sinh viên ở các trường đại học không ít em vẫn chạy theo phong trào, theo ý tưởng của cha mẹ,… mà chưa có sự định hướng rõ ràng. Theo khảo sát gần đây được thực hiện ở sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học, có đến 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên được hỏi cho biết họ ít thoả mãn với sự lựa chọn của mình. Tình trạng này sẽ khiến số sinh viên có trình độ đại học trở lên tốt nghiệp rồi thất nghiệp tiếp tục tăng cao và gây nhiều lãng phí cho xã hội.
Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố hồi cuối tháng 1/2016 cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ đại học trở lên vẫn có tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Còn theo một thống kê khác lại cho thấy: cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Số lượng cử nhân ra trường không xin được việc làm, không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không muốn làm những việc không tương xứng với bằng cấp của mình đã lên đến con số hàng trăm ngàn và tình trạng này đang nóng lên từng ngày.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động kỹ thuật được đào tạo đúng chuyên môn hiện nay còn thấp. Các doanh nghiệp trong nước cũng như những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài lại đang rất thiếu lực lượng lao động này. Họ phải ráo riết để tìm nguồn tuyển dụng song vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải chủ động tìm hướng đi riêng theo phương châm đào tạo tại chỗ: tuyển chọn công nhân đào tạo thành nhân viên kỹ thuật để bổ sung cho đội ngũ nhân lực của mình. Tuy vậy, công tác đào tạo tại chỗ vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa phải là phương án bền vững. Xu thế liên kết với các trường đào tạo có uy tín là một phương án được lựa chọn của nhiều nhà tuyển dụng. Ngoài việc tự đào tạo để có nguồn nhân lực như ý muốn, hình thức liên kết đào tạo – sử dụng lao động ngày càng được nhiều doanh nghiệp coi trọng.
Hằng năm tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng tuyển dụng học sinh học sinh viên của trường. Quý I năm 2016, nhà trường đã tiếp nhận hàng chục đơn đặt hàng và thông báo tuyển dụng như: Công ty TNHH Thương mại Hoàng Hải (Phú Yên) tuyển 30 học sinh cơ khí, tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương) tuyển dụng 40 học sinh điện, điện tử, cơ khí, tự động hóa; công ty cổ phần LILAMA (TP.HCM) tuyển dụng 200 học sinh ngành cơ khí, chế tạo máy, điện công nghiệp; công ty cổ phần tôn Hoa Sen tuyển 150 công nhân kỹ thuật điện, cơ khí; công ty TNHH ASUZAC tuyển10 công nhân kỹ thuật CNC,… Hiện nhà trường có khoảng vài trăm doanh nghiệp thường xuyên tuyển lao động ở các ngành nghề khác nhau. Lương khởi điểm bình quân mà các công ty tuyển dụng học sinh sinh viên thuộc các ngành nghề trên khoảng từ 4 triệu đến 5 triệu đồng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng vì nhu cầu tuyển dụng quá lớn. Chỉ riêng ngành điện, cơ khí mỗi năm học viên tốt nghiệp chỉ khoảng 250 người, trong khi nhu cầu tuyển dụng lên đến 500, 600 người. Nhiều công ty đã hợp đồng tuyến học sinh, sinh viên của trường đi thực tập có trả lương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng cho mỗi học sinh sinh viên như công ty cổ phần Đoàn Nhất (TP. HCM), công ty LILAMA (Quãng Ngãi), công ty Hoàng Long (Phú Yên),…
Buổi phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp các ngành: Cơ Khí, Điện, Hóa, Công nghệ thực phẩm,…
TS.NGƯT Trần Đắc Lạc – Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp tại hội chợ việc làm (được tổ chức hằng năm).
Việc học tập nâng cao trình độ là yêu cầu bắt buộc và xuyên suốt trong quá trình hội nhập. Song điều đó không có nghĩa là cứ tốt nghiệp phổ thông phải đi học đại học bằng mọi giá. Hậu quả của việc lựa chọn sai nghề cũng như học theo phong trào sẽ dẫn đến tâm lý chán nản khi phải gắn bó với một công việc mình không yêu thích, gây lãng phí cho công tác giáo dục đào tạo và những xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cũng như thiệt hại hiều mặt cho người lao động. Một quyết định sai lầm, một lựa chọn không đúng đắn không chỉ gây ra những ảnh hưởng cho bản thân mà còn cho cả gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì thế, việc lựa chọn cho mình một ngành học phù hợp nghĩa là bước đầu xây dựng được một tương lai vững chắc. Chọn được ngành nghề yêu thích, bậc học phù hợp với khả năng sẽ là chìa khóa để mở rộng cánh cửa đi vào tương lai.
ThS. Võ Văn Lợi
Giám đốc Trung tâm HN&TVVLSV