[LĐO] Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 363.600 thí sinh trúng tuyển đợt một theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia, chỉ có hơn 242.000 thí sinh đã đến các trường đại học làm thủ tục nhập học. Hơn 120.000 thí sinh còn lại đã từ chối cơ hội nhập học. Con số này nói lên điều gì?

Hơn 120.000 thí sinh từ chối cơ hội nhập học là con số quá lớn. Có nhiều nguyên nhân xảy ra hiện tượng này song chung quy lại đều xuất phát từ một nguyên nhân chính đó là: đầu ra hay là việc làm?

Thứ nhất, trường trúng tuyển không đúng nguyện vọng ưu tiên của thí sinh nên họ từ chối nhập học. Hiện tượng này trước đây không phải không có nhưng số lượng ít hơn bởi phần lớn các em sẽ chọn các trường khác, ngành khác miễn nó là đại học. Còn bây giờ, các em chọn trường cũng xuất phát một phần từ ước mơ của các em nhưng phần lớn hơn lại ở cơ hội việc làm. Đây cũng là sự chuyển biến về nhận thức của thí sinh và gia đình các em, dám nói không với trường học và ngành nghề mình không thích và khả năng thất nghiệp cao.

1-hon-120000-thi-sinh-tu-choi-nhap-hoc-dai-hoc-khong-con-la-hoc-dai

Hơn nữa, việc từ chối nhập học còn do điều kiện gia đình khó khăn. Vậy trước đây tình hình kinh tế càng khó khăn hơn nhưng sao các em và gia đình vẫn quyết tâm “vượt khó” cho các em theo học mà đến bây giờ dừng lại? Học phí tăng cao cộng với cơ hội tìm kiếm việc làm không có đã dập tắt giấc mơ đại học “như một vị cứu tinh cho cả gia đình” đã từng có. Khi giấc mơ đại học đã thành hiện thực nhưng “vỡ mộng”, người dân nghèo không thể tiếp tục đánh cược số phận của cả gia đình để đầu tư vào một nơi mà biết chắc là thất bại.

Sau nữa là do các em và gia đình đang dần nhận thức được vấn đề về lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Vì sao tôi nói là “dần nhận thức” bởi thực tế là những con số thống kê thất nghiệp đã rất rõ, thực tế là nhiều gia đình đang chứng kiến con họ (con thứ nhất) đang thất nghiệp nhưng vẫn tiếp tục “gồng mình” lên để lo cho đứa thứ hai học đại học… Nhận thức là một quá trình, thực tế đó tác động dần dần để thay đổi nếp nghĩ, nếp tư duy kiểu như: Họ cho con đi học đại học thì nhà mình cũng gắng để cho con được bằng bạn bằng bè; họ thương con và mong muốn con học đại học để làm cán bộ, để khỏi phải lao động tay chân vất vả; họ còn nghĩ rằng, dù con ra trường không xin được việc làm thì có cái bằng cử nhân đeo bên mình vẫn oai hơn…

Vì sao chúng ta phải mất mát quá nhiều để nhận thức và thay đổi bằng hành động như ngày hôm nay như vậy? Lỗi đó một phần do chính chúng ta, định kiến của xã hội này đã góp phần tạo ra điều đó. Định kiến về địa vị, nghề nghiệp khác nhau đã khiến các bậc làm cha mẹ, các em học sinh chỉ muốn làm những nghề nghiệp được coi là sạch sẽ, nhẹ nhàng, được tôn trọng hơn. Cái cách tôn vinh nghề này cao quý nhất, nghề kia cao quý vừa, gọi người buôn bán là con buôn, dân chợ đò… cũng là một tác nhân dẫn đến những sự lựa chọn “học đại” (học cho qua, học cho xong, không có định hướng rõ ràng…) và thất nghiệp bùng nổ suốt thời gian vừa qua.

Dẫu vậy, muộn còn hơn không, con số 120.000 thí sinh từ chối nhập học đại học ngày hôm nay cũng là con số mở ra một xu hướng lập nghiệp mới, thực tế hơn, trưởng thành hơn và tránh lãng phí nhiều hơn.

Thủy Lâm

(Theo Báo Lao động)