Xác định liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là nội dung quan trọng nhất trong ba khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp nên trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã làm rất tốt công tác ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Nhờ đó, giai đoạn 2015-2020, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đào tạo ra trường làm việc ngay
Vừa tốt nghiệp ra trường, Phan Quốc Tĩnh ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) có việc làm ngay tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng và còn được công ty hỗ trợ ăn uống, tiền ở. Tĩnh cho hay: Em tốt nghiệp THPT năm 2017 và chọn học nghề tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Lúc đầu, em phải rất cố gắng để vượt qua rào cản tâm lý của gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, trong quá trình học, em luôn đạt sinh viên giỏi, đặc biệt là vừa qua em ra trường là có việc làm ngay, thu nhập khá nên ba mẹ yên tâm và nhận ra lựa chọn học nghề của em là đúng.
Tĩnh là một trong hàng ngàn học sinh, sinh viên (HSSV) của các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm ngay khi tốt nghiệp, thu nhập ổn định. Từ những minh chứng này đã làm cầu nối đưa nhiều học sinh sau THCS, THPT đến với trường nghề.
Để có được kết quả này, các trường đã thực hiện hiệu quả sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội. Đây được xem là khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua. Nhà trường làm tốt công tác ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng; ngược lại doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở đào tạo trong tuyển sinh, xây dựng chương trình và giáo trình, tiếp nhận HSSV thực tập, tuyển dụng… Và để hoạt động hợp tác với doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, hiện các cơ sở đào tạo đều thành lập trung tâm/ban hỗ trợ việc làm và quan hệ doanh nghiệp.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cho biết: “Hiện nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp nên dễ dàng “bao tiêu” đầu ra, giúp HSSV tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 4-8 triệu đồng/tháng”. TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng cho hay, nhờ hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên người học sau khi tốt nghiệp luôn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đào tạo để người học ra trường làm việc được ngay đang là xu hướng của rất nhiều cơ sở đào tạo bởi điều này tạo ra giá trị lợi ích cho nhà trường – doanh nghiệp – HSSV, với tỉ lệ có việc làm đạt trên 90%. Cùng với đào tạo chương trình chính quy, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang đào tạo chất lượng cao, quốc tế để đáp ứng nhu cầu thị trường và người học có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm lương cao.
Dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động
Để thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu lao động của thị trường, hàng năm Sở LĐ-TB-XH tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn tại các huyện miền núi và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thảo chuyên đề về “công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp”; xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, mỗi tháng mở 2 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và mở rộng các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các cụm huyện, xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm.
Theo Sở LĐ-TB-XH, trong 5 năm qua (2015-2020), trên địa bàn tỉnh đã có 37.887 người được tuyển mới để đào tạo nghề, trong đó đào tạo dài hạn (trung cấp, cao đẳng) là 11.866 người, đào tạo nghề ngắn hạn là 26.021 người (bao gồm dạy nghề cho lao động xã hội 14.120 người và dạy nghề cho lao động nông thôn 11.901 người). Dự kiến tỉ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 là 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 51% trong tổng số lao động đang hoạt động kinh tế thường xuyên.
Hiện toàn tỉnh tiếp tục đổi mới đào tạo theo hướng mở, tiếp cận với thực tế sản xuất, chú trọng đào tạo các kiến thức liên quan đến kỹ năng làm việc (làm việc nhóm, làm việc độc lập, làm việc liên ngành), hình thành tư duy, ý thức khởi nghiệp cho người học nghề… Những điều này sẽ giúp người lao động có thể thích ứng được với các môi trường làm việc khác nhau, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành nghề mà việc làm chưa từng tồn tại trước đó, hay sử dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khởi sắc đào tạo nghề
Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã có sự phát triển, số lượng tuyển sinh tăng dần. Trước đây khi các trường đại học tuyển sinh xong, những học sinh bị trượt mới bắt đầu đăng ký học trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhiều học sinh THCS, THPT chọn học nghề khá sớm.
Với thời gian học nghề ngắn chỉ 2-2,5 năm nhưng người học lại dễ kiếm việc làm ổn định, với thu nhập cao. Vì thế, không ít thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định đi học cao đẳng để có nghề trong tay, mong có tương lai bền vững.
Năm học 2020-2021, đến thời điểm này Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung có hơn 1.500 HSSV nhập học; Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng có hơn 500 HSSV nhập học. Ngay từ đầu khóa học, các trường cam kết với người học đảm bảo 100% đạt chuẩn đầu ra sẽ có việc làm đúng nghề học với mức lương khá so với thị trường việc làm. Không những thế, trong thời gian học, những em có kỹ năng sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức kinh phí hỗ trợ đảm bảo cuộc sống và học hành.
Hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai thí điểm đào tạo 22 nghề chất lượng cao, cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức tại 45 trường. Tại Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được chọn đào tạo nghề Cắt gọt kim loại theo chương trình chuyển giao này. Khi hoàn thành chương trình, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được cấp 1 bằng tốt nghiệp của Việt Nam và 1 bằng của Đức, để có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là giải pháp thu hút số người đến với trường nghề nhiều hơn.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có tay nghề là có tương lai, mà hơn thế lại ổn định và bền vững. Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã góp phần giúp học sinh, thanh niên dần ý thức với việc học nghề – lập nghiệp. Vì thế, trong thời gian đến, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục quảng bá, tuyên truyền, định hướng về nghề nghiệp để học viên, sinh viên có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của nghề trong xã hội.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng |
Theo Thúy Hằng
Báo Phú Yên Online