Hiện nhiều bạn trẻ vẫn giữ quan điểm chỉ cần có tấm bằng từ một trường đại học danh tiếng, cơ hội việc làm sẽ mở rộng trước mắt. Điều này có thể đúng ở thời điểm nhiều năm trước, còn nay với sự phát triển và hội nhập không ngừng của nền kinh tế, điều mà nhà tuyển dụng cần là nhiều hơn một tấm bằng.
Bằng cấp không quyết định tất cả
Lựa chọn ngành nghề luôn là vấn đề nan giải của không chỉ học sinh THPT mà còn của phụ huynh. Nhiều học sinh vẫn băn khoăn không biết chọn trường, chọn ngành phù hợp với bản thân mà chỉ chạy theo số đông, ứng tuyển vào những ngành nghề được xem là đang thịnh hành. Vậy nên, bằng cấp – việc làm luôn là những chủ đề “nóng” đối với người học hiện nay.
Tại Chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Chọn việc làm hay bằng cấp?” do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Tuy Hòa) hỏi: “Nhiều người cho rằng bằng cấp không quan trọng, nhưng xã hội vẫn trọng dụng bằng cấp và thực tế đó vẫn tồn tại? Em biết học lực của mình không tốt, nhưng nếu theo học trung cấp, cao đẳng thì sau này sẽ khó cạnh tranh được với các bạn học đại học. Xin các thầy cho lời khuyên?”. Trả lời câu hỏi này, TS Đặng Văn Lái, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: Vào đại học không phải là con đường duy nhất của một học sinh. Nếu không đủ năng lực, các em có thể học trung cấp hay cao đẳng, hoặc học các trường nghề. Thực tế cho thấy, nhiều người đã tạo dựng sự nghiệp mà không cần đến tấm bằng đại học. Không phải cứ học giỏi, bằng cấp cao là sẽ thành công trong công việc, sự nghiệp.
Học sinh, sinh viên tham gia Chương trình Tư vấn hướng nghiệp “Chọn việc làm hay bằng cấp?”
do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tổ chức – Ảnh: THÚY HẰNG
Liên quan đến vấn đề “chọn việc làm hay bằng cấp” hoặc “có cần phải vào đại học bằng mọi giá”, tại Chương trình tư vấn mùa thi năm 2017 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc lựa chọn vào đại học hay các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề… là tùy thuộc vào trình độ học lực, năng khiếu bản thân cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình của các em. TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Hải Quan, cho hay: Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Các em đừng vì áp lực mà cố chen chân để có mặt ở một trường đại học nào đó, bất chấp nó có phù hợp với tính cách, sở trường và năng lực thật sự của mình hay không (nhất là đối với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và học lực chưa tốt). Vì vậy các em hãy xác định cho mình một hướng đi đúng đắn và phù hợp, lựa chọn cơ hội phát triển cho mình với các kỹ năng mà thị trường lao động cần để hạn chế thất nghiệp sau khi học xong.
Hãy là người học thông thái
Nhiều năm liên tiếp, các số liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp tăng, số cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm… gây hoang mang cho nhiều người. Gần nhất, dự báo năm 2017, cả nước sẽ có thêm hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Rõ ràng, bằng cấp không đủ bảo đảm cho người học có nghề nghiệp, việc làm xứng đáng.
ThS Thái Doãn Thanh, Trưởng Phòng Tổ chức, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại, không ít sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Để chuẩn bị hành trang thật tốt khi bước chân vào thị trường lao động, các bạn trẻ phải trau dồi từng ngày ngay khi còn ngồi trên giảng đường, nhất là kỹ năng làm việc thực tế. Cụ thể, đối với nhà tuyển dụng, lựa chọn tối ưu là nguồn nhân lực có thái độ làm việc tốt, tinh thần ham học hỏi và năng lực thích ứng với hoàn cảnh, tình huống cụ thể.
Để giúp học sinh, sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương tương xứng năng lực của mỗi cá nhân, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa ký kết chương trình hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. TS Trần Kim Quyên, Phó Hiệu trưởng trường này, cho hay: Qua làm việc với các doanh nghiệp cho thấy, họ không phân biệt bằng cấp cao đẳng hay đại học, cũng không coi nặng kinh nghiệm làm việc. Đối với sinh viên mới ra trường hoặc vừa tốt nghiệp THPT, thái độ làm việc tốt, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội sẽ là yếu tố quan trọng nhất để được tuyển dụng.
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến việc thí sinh đăng ký nguyện vọng tràn lan, trong khi chưa hiểu hết yêu cầu của từng ngành học. Nếu được hỏi điều gì quyết định cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ đến bằng cấp. Tuy nhiên theo các chuyên gia giáo dục, bằng cấp là vô nghĩa nếu thiếu kỹ năng làm việc thực tế. Việc hiểu rõ mình là ai, thế mạnh của mình là gì đóng vai trò rất quan trọng trong chọn ngành, chọn trường. Các em nên theo đuổi nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, không nên cố học tập theo ý người khác mà hãy học tập theo ý mình
Thúy Hằng
(Theo Báo Phú Yên)