Bạn là sinh viên mới ra trường và thiếu kinh nghiệm tìm việc làm? Đừng quá lo lắng về điều này. Hãy tham khảo 6 bước tìm việc dưới đây, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bắt tay vào quá trình tìm kiếm việc làm cho bản thân:

1. Xác định công việc mong muốn:

Trước khi bắt đầu vào quá trình tìm việc làm, hãy xác định công việc mà bạn mong muốn bằng sở thích, năng lực và những dự định trong tương lai. Bạn hãy liệt kê ra danh sách những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Sau đó hãy tìm kiếm xem những công việc phù hợp với điểm mạnh của bạn bằng cách tham khảo từ bạn bè hoặc những website tuyển dụng như  Khi tìm kiếm các công việc trên website tuyển dụng, bạn nên xem xét thật kỹ cả những công việc mới đăng và công việc đã đăng được một thời gian. Đôi khi những công việc đã đăng khá lâu nhưng vẫn chưa tuyển được nhân sự phù hợp và vì thế cơ hội vẫn dành cho bạn.

2. Nghiên cứu và tìm hiểu:

Trước khi bắt đầu gửi hồ sơ xin việc (CV), bạn cần tìm hiểu một số các thông tin cơ bản nhất về Nhà tuyển dụng như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quy mô và cơ cấu của tổ chức, văn hóa doanh nghiệp…của Nhà tuyển dụng trên website của họ hoặc trên các phương tiện truyền thông khác. Thêm nữa, những thông tin về yêu cầu công việc của vị trí mà bạn đang ứng tuyển là những thông tin bắt buộc phải nắm rõ.

Thực tế, có rất nhiều ứng viên gửi CV mà không hiểu rõ về Nhà tuyển dụng cũng như chưa nắm bắt được các yêu cầu công viêc của vị trí tuyển dụng nên khi gặp Người phỏng vấn đã không thể hiện được đầy đủ năng lực và thế mạnh của mình. Vì vậy, việc ứng tuyển không thành công là điều có thể xảy ra.

3. Soạn thảo hồ sơ xin việc:

CV không tạo được ấn tượng với Nhà tuyển dụng hoặc không truyền tải được nhưng thông tin cần thiết tới Nhà tuyển dụng chính là một trong những lý do khiến Ứng viên thất bại trong quá trình tìm việc. Để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn có thể tham khảo rất nhiều mẫu CV trên mạng internet rồi có thể điều chỉnh, bổ sung để có được một mẫu CV cho riêng bạn hoặc sử dụng mẫu CV có sẵn của nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, bạn có thể download mẫu CV ứng tuyển tại website tuyển dụng của M-Talent

Sau đó, bạn hãy điền đầy đủ thông tin cơ bản tối thiểu bao gồm: thông tin liên lạc, quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, các thành tích đã đạt được, kỹ năng nổi bật, …

Mỗi ngày có hàng trăm CV gửi đến Nhà tuyển dụng nên họ chỉ có thể dành 30 giây để đọc lướt qua mỗi CV.  Vì vậy, Bạn cần học cách sắp xếp bố cục một bản CV sao cho thật ngắn gọn, súc tích để thu hút ngay được sự chú ý của Nhà tuyển dụng. Một trong những điều quan trong khác khi viết CV là bạn cần thận trọng với những lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. Chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng khiến bạn bị mất điểm trong mắt Nhà tuyển dụng. Vậy, bạn nên đầu tư thời gian và lựa chọn không gian phù hợp để viết CV một cách cẩn thận và kiểm tra kỹ càng trước khi nộp đơn và để tránh thiếu sót, bạn có thể nhờ 1 người bạn giúp kiểm tra lại.

4. Nộp đơn:

Sau khi đã hoàn tất hồ sơ xin việc, điều tiếp theo phải làm là nộp đơn. Bạn cần chú ý sắp xếp thời gian để nộp đơn đúng thời hạn. Hồ sơ xin việc thường được gửi bằng một trong hai cách sau:

Nộp đơn trực tiếp: Bạn có thể liên lạc trước với Nhà tuyển dụng để hẹn thời gian mang hồ sơ của bạn đến nộp.

Nộp đơn trực tuyến: Để thuận tiện cho cả Nhà tuyển dụng và ứng viên, bạn có thể nộp đơn trực tuyến trên website của nhà tuyển dụng. Bạn cần lưu ý cách thức ứng tuyển được Nhà tuyển dụng hướng dẫn để nộp hồ sơ họp lệ. Bạn có thể tham khảo cách thức tạo tài khoản và ứng tuyển trực tuyến của Nhà Tuyển dụng M-Talent đã được giới thiệu ở bài “Hướng dẫn ứng tuyển tại website M-Talent” đăng trên

5. Thi tuyển

Một số vị trí yêu cầu ứng viên cần có bài thi tuyển trước khi phỏng vấn. Đó là cách giúp Nhà tuyển dụng đánh giá một số kiến thức chuyên môn, chuyên ngành và sàng lọc ứng viên trước vòng phỏng vấn trực tiếp.

Việc nghiên cứu và tìm hiểu ở bước 2 sẽ giúp ôn luyện, chuẩn bị các kiến thức chuyên môn cần thiết. Từ đó, bạn sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn khi vào vòng thi tuyển. Ngoài ra, bạn cần lưu ý đi thi đúng giờ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của người coi thi hay quy định của phòng thi.

6. Nhận lời mời phỏng vấn:

Được mời vào vòng phỏng vấn có nghĩa là bạn đã vượt qua rất nhiều ứng viên khác và ít nhất là bạn đã đi qua được năm bước chuẩn bị trên. Đây được coi là bước chuẩn bị cuối cùng, quyết định tới việc ứng tuyển thành công của bạn. Vì vậy, M-Talent đưa ra 1 vài gợi ý cho các ứng viên như sau:

  • Trước khi tham gia một buổi phỏng vấn, bạn cần ôn luyện lại các kiến thức và thông tin mà bạn đã tìm hiểu được về công ty, về vị trí mà mình ứng tuyển. Bên cạnh đó, bạn cũng cần suy nghĩ và chuẩn bị các kiến thức phản biện về sự phù hợp giữa những kỹ năng, kinh nghiệm của bạn và công việc mà bạn ứng tuyển.
  • Khi đi phỏng vấn:

Luôn luôn đúng giờ và nên đến địa điểm phỏng vấn trước 15 phút;

Bạn nên mặc những trang phục trang nhã, phù hợp với đặc thù văn hóa tuyển dụng. Nó cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn.

Một điều quan trọng nữa là bạn cần phải tắt điện thoại và gõ cửa trước khi bước vào phòng phỏng vấn.

  • Trong quá trình phỏng vấn:

Khi vào phòng phỏng vấn, bạn nên thể hiện sự tôn trọng với hội đồng phỏng vấn bằng một lời chào rõ ràng, tác phong chuyên nghiệp và mắt luôn hướng về người phỏng vấn;

Trả lời câu hỏi một cách súc tích, rõ nghĩa và trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi. Hãy thể hiện với Nhà tuyển dụng rằng bạn am hiểu về công việc mà bạn ứng tuyển;

Bạn cũng nên chuẩn bị từ hai đến ba câu hỏi để trao đổi và tìm hiểu thêm về Đơn vị tuyển dụng và về vị trí tuyển dụng. Những câu hỏi thông minh và phù hợp sẽ được người phỏng vấn đánh giá cao và ghi nhận bạn đã có sự đầu tư nhất định vào công việc mà bạn đang ứng tuyển;

Cuối cùng, bạn nên tươi cười cảm ơn các thành viên hội đồng phỏng vấn sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Điều này sẽ để lại ấn tượng bạn là người hòa nhã, cởi mở với Nhà tuyển dụng.

Trên đây là một vài gợi ý của M-Talent đối với các ứng viên. Chúng tôi xin chúc các bạn thành công.

Ban Dịch vụ Tuyển dụng & QLNNL

M-Talent (sưu tầm)